Câu hỏi tuyệt cú mèo! Tôi mím môi nhìn ba, chờ ba đem siro đá về cho nó để xong rốt chuyến này.
- Xin lỗi con, đá tan dọc đường nên ba phải tưới cây hết rồi.
Thế là em trai tôi thở dài giống mẹ, rồi đi vô nhà trong. Tôi với ba ráng lắng nghe – chỉ có tiếng mưa ngoài chứ không có tiếng dậm chân hay đập cửa bên trong. Cũng giống như ba đi mua siro không về, em trai vô trong rồi bữa đó không trở xuống. Bữa đó chỉ có hai ba con cùng nhau khiêng đồ ra khiêng đồ vô, không bao lâu là sạch trơn đống cần dọn sau khi mẹ đi. Tôi nhớ tôi đã cười nhiều lắm, mà không hiểu sao sau này lúc vẽ lại trong đầu, chúng chỉ còn là những nét xếch lên của mắt mũi miệng tai chứ không kèm về được cảm xúc nào. Tôi không hiểu tại sao.
Tôi từng tin là, nếu ba đi bao lâu ấy thời gian giờ trở về mà chúng tôi không được lời giải thích nào vẫn sống tiếp được thì không phải con người nữa. Nhưng rốt cuộc, chúng tôi không nhận được câu trả lời rốt ráo nào vẫn tiếp tục sống – không ai phải ăn cỏ hay bơi dưới nước, rốt cuộc chúng tôi vẫn là con người, cả hai anh em. Tôi cũng không hiểu tại sao.
Anh em tôi từng chụm nhau làm một bữa quây quần, uống rượu với ba rồi hỏi ba những thứ rượu có thể trả lời. Có điều bữa đó ba không mời rượu lên nhiều tới mức hai anh em nghe được tiếng nó, nên rốt cuộc chỉ nói chuyện với ba. Tôi hỏi:
- Ba đi đâu bao lâu nay, ba có thể nói con biết không?
- Ba đi mua siro đá rồi ghé làm mấy công việc chưa làm xong.
- Sao tới mười hai năm?
- Công việc đó cần mười hai năm.
- Sao ba không về đưa siro đá cho em con rồi đi giải quyết công việc?
- Về sẽ không kịp.
- Ba không thể nói được một chút nào sao?
- Con không thấy những chuyện rất dài, khi kể lại càng ngắn thì sẽ càng đủ sao?
Em trai tôi chừa toàn bộ lượt hỏi cho ba.
- Mẹ có nói gì về ba không?
- Dạ có. Tôi trả lời.
- Mẹ có nhớ ba nhiều không?
- Con nghĩ là có.
Ba xài không hết lượt em tôi chừa, lại uống rồi đi lên nhà trên. Em tôi ngồi uống tiếp với tôi, không nhắc gì tới siro đá nó chờ mười hai năm. Tôi cũng không hiểu tại sao.
Ba về rồi không có nhiều đổi thay. Tôi nghĩ cũng như mẹ ngày xưa, mất ba còn một mình mẹ, mẹ không làm được sự đổi thay nào đáng kể, thì giờ mất mẹ còn mình ba, ba cũng không khác. Ba không cần lập bàn thờ mẹ vì anh em tôi đã lập sẵn rồi. Tới bữa, ba người chúng tôi lên bàn Phật lâm râm khấn vái, xong qua bàn mẹ lâm râm vái khấn rồi mạnh ai nấy xuống.
Tôi không nghe ba thở dài. Ba cũng không biết may để mà trở về lại có vụ đạp bàn máy. Ba không nói nhiều hơn cũng không cười nhiều hơn, vì ngày về, ba coi như chỉ còn mình tôi để nói chuyện. Hàng xóm nhìn ba không khác gì người đi ra từ vùng tam giác Bermuda, nói chung còn lạ hơn người đột ngột sống lại ba mươi năm sau chiến tranh hay hai mươi năm sau bão.
Cái khác biệt lớn nhất khi ba trở về là ba không mang theo khói thuốc. Ba dứt hẳn, ít ra là trong tầm mắt và tầm mũi tôi với em trai. Đôi khi tôi hơi ngạc nhiên, có khi nào mười hai năm ba đi, nhân tiện trên đường mua siro đá đã ghé chỗ nào đó cai thuốc luôn không? Hay có khi nào mười hai năm ba đi, ba gặp ai đó uống hết siro đá ba mua nhưng đổi lại giúp ba không hút thuốc nữa không? Hay chính mục đích ban đầu ba đi mua siro đá thật ra là để cai thuốc? Hay vốn ba đã cai thuốc, giờ chỉ ra đi rồi trở về để chính thức hóa nó? Tệ là những câu hỏi đó xuất hiện khi tôi không còn nhỏ, nên tôi không có cách nào trả lời chúng đẹp và gọn. Nhiều khi tôi lại đưa ra giả thuyết, có phải vì ba muốn tạo ra một cái gì đó cho chúng tôi tự hỏi và tự trả lời bằng chuyến đi mười hai năm, nhưng lại quên mất rằng một con người lớn qua mười hai năm sẽ không đủ khả năng trả lời một số chuyện nữa.
Ba về rồi, đổi thay rốt cuộc cũng không đếm hết bàn tay như ngày tôi ngồi đếm của mẹ. Thật ra, có lẽ vì tôi không màng đến những cái thay đổi tiểu tiết như: em trai không thèm nói chuyện với ba, em trai gắt gỏng với ba, em trai không chào ba khi đi ra ngoài, em trai hỏi ba lí do rất nhiều lần để rồi cuối cùng bỏ cuộc…, cho nên sau rốt tôi không thấy gì thay đổi nhiều hết. Cũng có thể, vì không còn một người phụ nữ làm cực hút, chúng tôi tự đẩy nhau ra, mà đã xa nhau rồi thì có thấy gì nữa để biết thay đổi hay không. Hoặc cũng có thể, sự đổi thay một khi ở hẳn trong nó thì sẽ không thấy nó nữa.
Về phần mình, tôi không còn tìm tia nắng nữa mà dành thời gian đó để sắp xếp lại những thứ tôi đã xáo trộn khi ba đi, thật thì cũng không phải xếp mà là xáo lại theo thứ tự khác. Tôi không biết nên đón ba bằng niềm vui trở về hay nỗi buồn vừa đưa mẹ đi. Lúc đó tôi chọn hoài và tới bây giờ thỉnh thoảng vẫn lấy ra để chọn lại, dù kết quả không cần thể hiện ra ngoài nữa.
4.
Có một lần, tôi đứng cạnh ba trước mộ mẹ dưới nắng thắm. Tôi nghe ba tỉ tê với mẹ chuyện cây cam sau vườn cậu mùa này không chịu ra trái, tự nhiên nghĩ mình nên cho cả hai một cơ hội nữa.
- Rốt cuộc thì ba đã đi đâu? Tại sao ba không về?
Ba tận dụng luôn cơ hội ấy.
- Ba về lâu rồi, còn con thì sao?
Đột nhiên, tôi thấy ba không còn bí mật nào về chuyện siro đá nữa. Tôi nghỉ truy vấn ba từ đó mãi về sau.
5.
Em trai lấy vợ năm hai mươi tuổi, tới quận khác ở rể và không trở về. Thật ra thời em đi qua quận khác không giống thời ba đi mua si rô đá, thứ cản em trở về không phải đường sá, dép mòn hay ly đá không kịp chờ. Em có trở về bằng điện thoại và nói chuyện với ba mấy câu nhằm đầu năm cuối năm, nhưng không trở về theo cách tôi muốn ba nhìn thấy trước khi ba qua đời.
Tôi đoán có lẽ là em đặt nhiều lí do bên hông quá nên em không ngồi gần ba được. Tôi đặt ít lí do hơn nên vẫn có thể gần quanh quẩn bên ba, dù rằng tôi nghĩ về tổng thể, những thứ hai anh em tôi mang lên từ lúc ba về nặng như nhau. Chỉ khác, nó đeo bên ngoài nên chiếm không gian ngoài, tôi đeo bên trong nên bên ngoài vẫn thoáng đạt.
Ba tôi có nói, tôi không còn nhớ là trước khi đi mua si rô đá hay sau khi đi mua si rô đá, rằng nếu con muốn kể những câu chuyện đã xảy ra mà hoàn toàn không biết nguyên nhân bên trong, thì cách duy nhất là nó diễn ra làm sao, con kể lại như vậy. Tôi nghĩ ba đúng, thường thì những chuyện càng dài thì sẽ càng ngắn.
Nếu tôi nghe lời ba triệt để, thì câu chuyện này chỉ bao nhiêu đây thôi: Mười hai năm trước, ba tôi đi mua si rô đá. Giờ ba đã về rồi.
Mà tôi cũng không chắc nữa – không chắc là cả nhà tôi, rốt cuộc có ai trở về sau chuyến đó không.