Lúc bá tôi độ tuổi mười bảy, mười tám, giống bà tôi ngày xưa xinh lắm, khuôn mặt trái xoan, nước da trắng mịn, hai má ửng đỏ, cái mũi dọc dừa, cánh mũi gọn nhỏ thanh tú, đôi môi cũng mọng đỏ và đôi mắt vừa trong vừa sáng như thoảng nỗi buồn. Trai trong làng nhiều người đem lòng yêu, tối đến cổng nhà huýt sáo tán tỉnh, nhưng bá tôi chẳng ưng ai. Bà tôi bảo nuôi con gái đến tuổi dựng vợ gả chồng lo lắng lắm, như có quả bom nổ chậm trong nhà. Đời người con gái như hạt mưa sa, rơi vào sông thì sướng, rơi vào đám cứt trâu coi như khổ cả đời. Con đồng ý lấy ai, mẹ cho người ta, yên chuyện.
Thực lòng bá tôi đã đem lòng yêu bác tôi. Bấy giờ trạm thương binh nằm ở xã. Bác Dương theo học văn hóa ở trường thương binh. Đoàn trường thương binh kết nghĩa và giúp đỡ đoàn xã thế là họ quen nhau. Bác Dương vốn thổi sáo và hát hay lại là bộ đội cụ Hồ nên được thanh niên làng mến mộ. Thời ấy bộ đội đối với con mắt của nhiều tầng lớp xã hội như một thần tượng đẹp đẽ mang chất lý tưởng. Bác Dương trong nỗi phập phồng sợ hãi cho đến lúc rời trường thương binh để đi học chuyên nghiệp mới dám ngỏ lời. Và nếu như không có bạn bè khích lệ có lẽ không dám ngỏ tình yêu. Bác bảo với người bạn cùng phòng: liệu cô ấy có ưng tôi không?Tôi đen đúa vụng về, quê xa. Cô ấy xinh xắn nết na thế. Ông bảo cô ấy có cảm tình với tôi ư? Sao tôi không biết nhỉ? Thường ngày cô ấy trêu cợt tôi, có lúc lãnh đạm nữa. Người bạn cùng phòng nói: rõ là ngốc ngếch. Người ta là con gái có muốn đến chết, có đắm say cũng giữ kín kẽ. Cô ấy biết tin ông chuẩn bị đi rất buồn đó. Thế là sau một thoáng ngập ngừng, bác Dương chạy như bay đến với bá. Bá đang đứng bên rào râm bụt, lo lắng và đau khổ, thấy bác Dương tới, chạy vội vào nhà………không biết họ nói gì với nhau, lúc sau cả hai đều thổn thức…hình như cơn khát đã được giải tỏa phần nào. Bá tôi nói: anh cứ đi học, em chờ! Hay tin bà tôi nói với mọi người: con bé quá dại dột, kiếm đâu không được tấm chồng tử tế, người gần đây thiếu gì, lại đi yêu cái thằng quê xa tít tắp như thế. Ngộ nhỡ nó lấy nhau, thằng Dương đem con bé tuốt vô Nam thì tính sao? phải ngăn nó đi kẻo muộn! Bà tôi thở dài nói: tôi buồn nẫu cả người, nhưng ngăn trở chúng bằng cách nào bây giờ. Lũ trẻ có như ngày xưa cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Bà tôi bắn tiếng gả bá cho một người làng bên, vốn đôi bên gia đình có quan hệ thân thiết với nhau. Bá tôi khăng khăng không chịu, nhất quyết đòi lấy bá Dương, nếu không sẽ ở vậy. Bà tôi sợ bá thành bà cô ông mãnh nên thôi không gán ghép dù trong lòng rất buồn.
Thời gian sau đó bác Dương quay lại trại an dưỡng nhờ đơn vị và địa phương vận động bà tôi rồi tổ chức cưới. Thế là bác bá nên vợ nên chồng.
Chuyện về bác bá thực ra có thể dừng lại ở đây, song tôi cứ băn khoăn có thể mọi người muốn biết cuộc sống của bác bá tôi sau này thế nào, nên đành viết tiếp.
Bác Dương học chuyên nghiệp xong trở về tỉnh H- Y công tác ở sở ngoại thương, chuyên thu mua lâm hải sản, sơ chế xuất khẩu..vv. làm đến chức trưởng phòng ngoại thương , trưởng công đoàn ngành. Ngày đó, mỗi lần xuống địa bàn, bác dùng cái xe trâu (tên một loại xe đạp do Trung Quốc sản xuẩt), đạp xe dưới trời nắng chang chang chừng vài chục cây số, mệt mỏi nhưng vui, hưng phấn có được từ sự chân thành của mọi người khi đón tiếp, từ lạc quan vì mục tiêu chung; có người biếu vài cân tôm, chọn những con cá trắm đen nặng vài ký gọi là biếu cán bộ, bác đều từ chối, hoặc trả khéo. Có lần vào ngày nghỉ, khách thăm mua quà biếu, bác chối từ không nhận, đôi bên giằng co gói quà. Bá tôi trách: sao ông nỡ xử với người ta như thế. Có gì đáng giá đâu, chẳng qua là cân đường, hộp sữa, gói mì chính. Đến chơi với gia đình là tình cảm của người ta, sao ông không nhận. Bác nói: tình cảm sao tôi lại không nhận. Ở cơ quan sao tôi không hiểu họ. Những gì có thể giúp được đồng nghiệp, tôi không từ chối. Nhưng phần nhiều người đời có cho không bao giờ. Đấy chính là điều tôi băn khoăn không muốn nhận. Cuộc đời này sòng phẳng lắm, nên biết công mình đến đâu nhận đến đấy. Vả lại các con nghĩ thế nào, chẳng nhẽ chúng không biết suy xét sao. Hãy để chúng thấy bố mẹ dù nghèo nhưng giấy rách giữ lề, trọng khí tiết, liêm chính để sống.
Bác bá tôi được dăm con, bốn con gái, cố mãi mới được cậu út nên đặt tên là Nam. Mấy chị em gái hơn chục tuổi đầu đã đi làm hợp tác, vừa học vừa làm tự nuôi mình, vào những vụ đông, sắn quần lội ruộng nhặt những giẻ thóc còn sót trên những gốc rạ mủn ngập nước, có buổi dầm mình trong nước lạnh mò hến, gạt những cánh bèo sen, vớt những con ốc nhồi đóng màng trắng miệng nổi lềnh bềnh trên mặt nước, có buổi ra bến gánh cát từ thuyền lên bãi. Tối đến sau cả buổi bước xuống thuyền, trên vai nặng trĩu gánh cát bấm chân bước lên bến, đổ cát vào đống, vai lưng mỏi nhừ, mấy chị em cùng lũ bạn như những cô tiên đứa ôm cây chuối, đứa lấy quần làm phao bơi, vùng vẫy trong làn nước. Nước sông mát rượi vuốt ve cơ thể họ, tiêu tan nỗi mệt nhọc thường ngày.
Trong mấy chị em, chị cả Kiêm sớm dừng học, đi làm, phụ mẹ nuôi mấy em ăn học. Mấy em sau đều học hành đỗ đạt hiện làm việc trong các cơ quan nhà nước.
Giờ ở quê chỉ còn Bác Bá, tuổi già nương tựa lẫn nhau mỗi khi đau yếu trở trời. Lúc có tâm sự, bác hay nói: ngày xưa tôi không đỡ đần cho bà được nhiều, nay đây mai đó bận toàn việc công, nay muốn bù đỡ bà song cũng chẳng làm được điều gì. Bà đã cho tôi, hy sinh cho tôi quá nhiều. Bá tôi cười nói: ông cứ khỏe mạnh bên tôi là được rồi. Thực ra Bá muốn nói nhiều lắm, nhưng không thể diễn tả nổi. Ngày trước một mình với đàn con, bao vất vả cho ông ấy yên lòng đi công tác, lắm lúc cũng cực, cũng tủi thân lắm nhưng Bá chưa một câu than vãn. Niềm vui của Bá là những đứa con, chúng xinh xắn như tiên đồng mang lại cho Bá bao cảm hứng và niềm vui sống.

Gần hai chục năm sau ngày đất nước thống nhất, bỗng có tin tìm người thân trên ti vi. Bác tôi mừng lắm, mất ăn mất ngủ vài ngày liền, nỗi mong mỏi được gặp người thân và niềm vui về sự đoàn tụ đến thật bất ngờ. Suốt ngày bác Dương nhắc đến chị gái và em trai, trong tâm trí của bác bỗng dưng sống lại tràn đầy những kỷ niệm với chị, với em thời thơ ấu, khuôn mặt bác rạng rỡ niềm vui và cái miệng lúc nào cũng thường trực nụ cười. Bá tôi cũng vui, nói: tôi chuẩn bị ít tiền cho ông vào Sài Gòn . Ông vào đó nhớ mời bác và các cháu ra ngoài này chơi vài ngày. Mấy chị em con Bác Bá khuyên bác nên đi máy bay, nhưng bác Dương thích đi tàu thống nhất. Bác nói: đi tàu để ngắm cảnh, vả lại có thể xuống ga Đông Hà rồi về quê ít ngày trước khi vào Sài Gòn. Gia đình bác Thắm đón bác Dương ở sân ga. Mấy chục năm xa cách, biết bao những đổi thay, vậy mà họ vẫn nhận ra nhau, mừng mừng tủi tủi, chuyện liên miên không dứt mấy ngày liền. Xen với niềm vui khôn tả là nỗi đau, bác Thắm nói mà nước mắt chảy nhạt nhòa trên mi: chú Tám hy sinh năm 72 ở Quảng trị. Cậu cứ ở đây vài ngày, chị em mình sẽ về quê thăm mộ chú ấy. Anh chị vào đây sau năm 75. Anh rể cậu cũng từng mấy chục năm trong quân đội. Các cháu cậu trai gái hiện đều phục vụ quân đội. Cháu Hưng hiện là cán bộ của trường Trần Đại Nghĩa; cháu Hà, Cháu Thọ là cán bộ kỹ thuật của quân đoàn; cháu Liên làm ở tổng cục hậu cần hiện ở Hà Nội… Nhà t